AcDieu225
Co Vang Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

 

THEO  BƯỚC  CHÂN  TÙ .

 

                                       HAI   MƯƠI   MỐT  NĂM   XA  XỨ

                                      THÁNG  TƯ  ĐEN  LẠI  QUAY  VỀ......  

 

Sau  khi  trình  diện  ở  trường  Đ H  Sư  Vạn  Hạnh  về , trông  Anh  buồn  bã  và  trở  nên  ít  nói , khuôn.  mặt  đăm  chiêu  suy  nghĩ  điều  gì đó , tôi  cũng không  tiện  hỏi .

Đêm  đó  Anh  ôm  tôi  vào  lòng  và  nói : - Em  à , sáng  mai  Anh  đi  xem  thử  có  xe  hay  tàu  lửa  gì  đi  Qui Nhơn , Anh  sẽ  dẫn  mẹ  con  em  về  ngoài  đó  gởi  Ông Bà  Ngoại   rồi  Anh  trở  vô  lại  trong  này  trình  diện " học  tập " xong  mười   bữa   nửa  tháng  gì  đó  Anh  về .

Tôi  bật  khóc : - không , em  ở  đây  đợi  Anh .

Anh  lau  nước  mắt  cho  tôi  rồi  nói : - không  được  đâu  em , ở  đây  với  hai  con  còn  nhỏ , em  làm  sao  săn  sóc  chúng  được ? Anh  không  yên  tâm , Anh  rất  lo  cho  con  và  em , nếu  cô  người  làm  còn  ở  đây  thì  Anh  không  đưa  mẹ  con  em về  ngoài  đó  đâu ( Cô  người  làm  xin  nghỉ  khi  tan  hàng )

Đêm  đó  cả  hai  chúng  tôi  đều  trằn  trọc  khó  ngủ , mỗi  người  theo  đuổi  ý  nghĩ  riêng  của  mình ...

Sáng  hôm  sau  chúng  tôi  dậy  muộn

Anh  nói : - Em  cho  con  ăn  sáng  đi  rồi  Anh  đưa  mẹ  con  em  đến  chơi  nhà  Cô  chú  Ba ( Bà  con  của  Anh )

Tôi "dạ" , cho  các  con  ăn  rồi  thay  đồ  cho  chúng  đi  theo  Anh .

Ở  nhà  Cô  Chú  một  lúc  thì  Anh : - Cô  Ba , cho  cháu  gởi  mẹ  con  S. ở  đây , cháu  đi  có  chút  việc  rồi  về .

- Ừ ,  đi  đi  rồi  về  ăn  cơm , trưa  nay  mấy  đứa  ăn  cơm  với  Cô Chú  , Anh  "dạ"  rồi  đi  nhanh  ra  ngoài .

Cô  hỏi : - S. nó  đi  đâu  mà  vội  thế ?

- Dạ , ảnh  đi  hỏi  thăm  coi  có  xe  cộ , hay  tàu  lửa  gì  đó , ảnh  đưa  mẹ  con  cháu  về  QN , rồi  trở  vô  đi  "học tập cải tạo"  gì  đó  cô .

- Rõ  khổ , nó  tính  thế  cũng  phải , chứ  một  mình  cháu  chăn  làm  sao  nổi  hai  đứa  bé ?

- Dạ , cháu  cũng  biết  vậy , nhưng  cháu  cứ  lo  lo  làm  sao  ấy  Cô  à

- Ai  mà  chả  lo , tình  hình  này , ai  cũng  thế  thôi , chả  riêng  gì  các  cháu ... Chả  biết  đâu  mà  đoán  được ...

Thế  rồi , vài  hôm  sau , Anh  đưa  mẹ  con  tôi  về  QN .

Về  đến  nhà  được  vài  tiếng  đồng  hồ , chưa  kịp  lên  thăm  nhà  Ông  Bà  Nội  các  cháu  thì  có  hai  tên  du  kích  và  một  công  an  vào  hỏi :

- Đây  có  phải  nhà  của  thiếu  tá  giặc  lái  Nguyễn Hữu Nghề  không ?

Ba  tôi  nói : - phải , rồi  gọi  Anh  ra .

-  Anh  là  Nguyễn Hữu Nghề  , thiếu  tá  giặc  lái ?

- Phải , tôi  là  Nguyễn Hữu Nghề , nhưng " giặc lái " là  gì , tôi  không  hiểu .

- Không  hiểu  giặc  lái  ?

- Không .

- Là  lái  máy  bay  cho  giặc  đó  hiểu   chưa  ?

- À  là  vậy  !

- Sao  tới  giờ  này  mà  Anh  không  ra  trình  diện  để  học  tập  cải  tạo , định  trốn  hả ?

- Đâu  có , tôi  ở  Sài Gòn  đã  trình  diện  rồi , đưa  vợ  con  về  đây , rồi  trở  vô  lại  SG  đợi  lịnh  gọi  đi  học tập , chớ  có  trốn  đâu .

- Thôi  đi  lên  đồn  CA  làm  việc .

Thế  là  họ  dẫn  Anh  đi  kèm  hai  tên  mang  súng , Anh  như  một  tên  tội  đồ , cả  nhà  nhìn  theo  Anh  xót  xa , ái  ngại . Tôi  bàng  hoàng  bật  khóc , Má  và  hai  con  tôi  khóc  theo , tôi  quẹt  vội  nước  mắt

- Má , cho  con  gởi  hai  đứa  nhỏ , con  lên  đồn  CA  coi  thử .

Ba  nói : - Con  ở  nhà  với  tụi  nhỏ , để  ba  đi  cho .

Tôi  không  an  tâm , nên  vội  vã  bước  theo . Lên  tới  đồn , tôi  thấy  có  vài  bà đứng dáo  dác  ngoài  cổng  nhìn  vào , tôi  tiến  tới  đứng  sát  vào  cổng  nhìn  vào  trong , tôi  thấy  Anh  và  vài  người  nữa  đang  nói  gì  đó  với  bọn  chúng . Tôi  đứng  đợi  nghe  ngóng  tin  tức , thỉnh  thoảng  thấy  một  vài  anh  đi  vào , gần  hai  tiếng  CA  bước ra  nói :

- Mấy  bà  đi  về  lấy  ít  quần  áo  cho  mấy  ông , mấy  ông  ở  lại  đi  HTCT . Tôi  chợt  thấy  Anh ,  Anh  bước  ra  tiến  về  phía  tôi  đứng  ngoài  hàng  rào : 

- Anh  bị  bắt  giữ  lại  không  cho  về , em  về  lấy  cho  Anh  vài  bộ  đồ  dày  dày , với  đồ  dùng  cá  nhân , đại  khái  thôi , đừng  lo  cho  Anh ,  lo  cho  em  và  hai  con , nước  mắt  tôi  sắp  trào ra ... vừa  lúc  đó  công an  ra  đuổi  vào . Tôi  ra  về , với  nỗi  buồn  phiền  tê  tái , lo  sợ , suy  nghĩ  mông  lung ... Vào  nhà  Tôi  soạn  vài  bộ  đồ , kem , bàn  chải  đánh  răng , khăn , vài  gói  thuốc  Winston , thuốc  aspirin . và  không  quên  chai  dầu  gió , một  ít  tiền  lẻ ... rồi  mang  lên  đồn  CA  đưa  cho  Anh ,  khi  đi  ngang  qua  bến  xe  mua  thêm  cho  Anh  ổ  bánh   mì  thịt .

Sau  đó  họ  đưa  các  Anh  vào  Trung Tâm  Cải  Huấn  QN . Sáng  nào  một  nhóm  chị  em  chúng  tôi  cũng  đến , đứng  ngoài  hàng  rào  kẽm gai  đợi  các  Anh  đi  lao  động , khi  thì  dúi  ổ  bánh  mì  , lúc  thì  gói  xôi , cái  bánh ... Thật  là đau  lòng !  Và  cứ  thế ... ngày  này ...  qua  ngày  khác , khoảng  chừng  một  tháng  rưởi  thì  vào  một  buổi  sáng  chúng  tôi  thấy  các  anh  xếp  hàng  mang theo  túi  xách  đùm  túm  của  mỗi  người , chúng  tôi  rất  hoang  mang , không  biết  họ  đưa  các  anh  đi  đâu , chính  các  anh  cũng  không  rõ .

Họ  dẫn  đoàn  người  đi  bộ  từ  trại  cải  huấn  đến  một  địa  điểm  nào  đó , chúng  tôi , những  người  vợ , người  mẹ , người  cha , người  con , người  anh , người  chị  đi  theo  chồng , theo  con , theo  cha , theo  anh , theo  em   của  mình  để  biết  họ  đưa  đi  đâu , về  đâu ? bên  cạnh  những  tên  CA  vác  súng  đi  kèm

Tôi  cũng  đi  trong  đoàn  người  đó ,  vì  bị  thương  tật  nên  tôi  đi  theo  một  cách  khó  khăn  mệt  nhọc , đến  ngang  bến  xe  thì  Anh  nói  với  tôi  :

- Thôi  em  về  đi , đừng  đi  theo  nữa , đến  nơi  nào  đó , Anh  sẽ  tìm  cách  liên  lạc  về , em  theo  không  nổi  đâu , tôi  chỉ  biết  khóc ... và  bị  tụt  dần...tụt  dần  phía  sau , xa  dần  đoàn  người  phía  trước , Anh  ngoái  đầu  lại  nhìn  tôi , tôi đứng  nhìn  theo  cho  đến  khi  đoàn  người  khuất  dạng . Tôi  lê  bước ,thất  thểu  về  nhà  với  cỏi  lòng  buồn  chán , thương  yêu  Anh  vô  cùng ...

Sau  này , chúng  tôi  được  biết , các  anh  bị  đưa  đi  Gò  Bồi  để  đắp  đê . Chúng  tôi  rủ  nhau  đi  thăm , đi  thăm  Anh  ở  Gò Bồi , chúng  tôi  phải  đi  bằng  ghe , đi  với  Hoa ( vợ anh  Hậu ) , Hoa  lại  mang  bầu , ngồi  trong  ghe  chòng  chành , chao  đảo , nước  sát  mí  ghe ,  vì  lần  đầu  đi  ghe  nên  chúng  tôi  sợ vô cùng ... rồi  nỗi  sợ  hải  cũng  qua  đi , khi  nghĩ  đến  sẽ  được  gặp  Anh , nhìn  thấy  Anh  ... một  thoáng  tươi  vui , hạnh  phúc  ấm  lòng ...

Có  một  hôm , khoảng  chín - mười  giờ  sáng , trông  thấy  Anh  lù  lù  bước  vào  nhà , tôi  như  bị  á  khẩu  nhìn  Anh  không  tin  vào  mắt  mình , Anh  đến  ôm  tôi , tôi  oà  khóc , giọt nước  mắt  sung  sướng , hạnh  phúc  vô  cùng ...

- Anh  được  thả  ra , người  ta  cho  Anh  về ?

- Không , Anh  về  đây  nhận  ghe , ghé  nhà  thăm  em  và  con  vài  tiếng  rồi  đi , năn  nỉ  thằng  CA , nó  dẫn  Anh  về  đây , rồi  nó trở  lại  đón  Anh .

Ôi !  cả  nhà  nhộn  nhịp  theo  Anh , tôi  gọi  người  làm  đi  mua thức  ăn  về  cho  Anh , chứ  làm  sao  nấu  cho  kịp , rồi  chuẩn  bị  vài  thứ  cho  Anh  mang  theo  và  không  quên  phần  quà  cho  tên  CA , để  hy  vọng  có  lần  sau . Anh  kể  thật  vui , anh  nói  cán  bộ  trại  hỏi :

- Anh  nào  biết  chèo  ghe , đi  theo  tôi  xuống  QN  nhận  ghe  về .

Nghe  nói  đi  QN  Anh  liều  giơ  tay  liền , chứ  thật  ra  Anh  chưa  bao  giờ  chèo  ghe , Anh  nghĩ  chắc  cũng  dễ  thôi , mình  lái  máy  bay  còn được  mà , vậy  mà  không  dễ  em  ơi , Anh  chèo  không thấy  nó  đi  tới  mà  ghe  cứ  lòng  vòng , đành  nhảy  xuống  đẩy  ghe  thay  vì  ghe  đưa  mình , vui  thật !  Cũng  may  trong  tốp  đi  có  đứa  biết  chèo ...

Đắp  xong  đê  ở  Gò Bồi  mấy  tháng  thì  các  anh  bị  chuyển  đi  đến  trại  An  Trường ,  chính  thức  làm  người  tù . Tôi  nhớ , mỗi  đợt  thăm  nuôi , chị  em  chúng  tôi  phải  đi  lên  đồn  CA  xin  giấy  phép  thăm  nuôi , cũng  may  nhóm  chúng  tôi  ở  ngay  thành  phố  nên  ít  gặp  trở  ngại  việc  xin  giấy  tờ , chỉ  thương  các  chị  ở  quận , huyện  cũng  gặp  lắm  nhiêu  khê  trong  việc  này .

Thường  chị  em  chúng  tôi  rủ  nhau  đi  xe  hơi  của  vợ  chồng  chị  Bé , xe  chứa  khoảng  mười  mấy  hai  mươi  người . Chuyến  thăm  nuôi  đầu  tiên , trại  qui  định  mỗi  người  tù  chỉ  được  nhận  ba  ký  mà  thôi  , lần  đó  tôi  dư  ra  mấy  tán  đường  đen  nhỏ  xíu , tôi  năn  nỉ  thế  nào  cũng  không  cho , thầm  chửi , đồ  độc  ác ... đồ  cà  chớn ...  đồ... nói  chung  ai  cũng  bị  dư  và  cũng  không  ai  được  xin  thêm . Sau  một  thời  gian  có  lẻ  vì  thấy  các  Anh  làm  nhiều  ăn  ít , nhiều  người  không  chịu  nổi  nên  cho  chúng  tôi  tự  do  đem  thức  ăn ... Hằng  tháng  chúng  tôi  thăm  nuôi  các  anh  đều  đặn , tình  yêu  thương  dành  cho  các  anh , chúng  tôi  không  hề  chểnh  mảng ...

Ở  trại  An Trường , khoảng  mười  ba - mười  bốn  tháng  thì  họ  cho  về , chúng   tôi  vô  cùng  hạnh  phúc ...

Nghỉ  ngơi  một  thời  gian  thì  Anh  tìm  kiếm  việc  làm , trong  khi  chờ  có  việc  làm  thích  hợp , Ba  tôi  nói :- Nhà  mình  buôn  bán  guốc , dày  dép , thôi  thì  con  nói  tụi  thợ  nó  chỉ  cho  làm , chứ  không tụi  CA  nó  để  ý  thì  phiền .

Hồi  đó  đang  thịnh  hành  loại  dép  cao  su  làm  bằng  vỏ  lớp  xe  hơi , nhưng  làm  kiểu , chứ  không  phải  loại  " dép  râu " của  mấy  ông  bộ  đội  đâu . Với  tính  chịu  khó  và  khéo  léo  của  Anh , không  bao  lâu  loại  dép  của  Anh  làm  được  nhiều  người  ưa  thích , Anh  chế  quai  dép  bông  hoa  đủ  màu  sắc , nên  bạn  hàng  ở  nhà  quê  rất  chuộng ( nhà tôi bán hàng vừa sĩ vừa lẻ )  nên  họ  mua  về  bán  lại  vừa  đẹp , rẻ  và  bền ...

Cuộc  sống  coi  như  tạm  ổn , chúng  tôi  an  phận  bên  nhau , hạnh  phúc  êm  đềm  bên  cạnh  cha  mẹ  và  các  con ...

Nhưng ( lại  nhưng ) vào  cuối  tháng  8/78  Anh  bị  bắt  trở  lại  cùng  với  một  số  đông  các  anh  mà  chúng  gọi  là " ngụy  quân " , ngay  hôm  sau  các  anh  bị đưa  đi  đến  trại  Kim  Sơn , Ôi  !  nói  làm  sao  hết  những  nỗi  nhọc  nhằn  của  kẻ  ở  người  đi  ! Và , cũng  bắt  đầu  từ  đó , các  chị  bước  vào  con  đường đơn độc  trong  cuộc  chiến  mưu  sinh , làm  đủ  mọi  ngành  nghề  để  nuôi  chồng  và đám  con  thơ  dại , tôi  may  mắn  không  phải  bương  chải  kiếm  sống  như  các  chị  em  khác , vì  là  con  một  nên  được  ba  má  bảo  bọc , bao  che . Nhưng  cũng  có  một  dạo  tôi  bán  thuốc  tây , nói  bán  thuốc  tây  cho  oai  vậy  chứ  thật  ra  là  chỉ  bày  một  cái  thùng  giấy  nhỏ  dán  trên  đó tên  những  loại  thuốc  đặt  ở  vỉa  hè  rồi  ai  cần  gì  mình  vô  nhà  lấy  bán , chứ  để  thuốc  trong    thùng  sợ  CA   "vồ "  mất  , nghĩ  lại  cũng  vui , nhiều  lần  bị  CA  rượt  tôi  làm  sao  chạy  kịp , CA  tới  đầu  đường  là  các  bác  xích  lô  báo  động , chị  em  chúng  tôi  dẹp , ( hai  bên  vỉa  hè  đều  có  tiệm  thuốc  tây  di  động )  tản  mác  mỗi  nơi , có  lần  bất  ngờ  chị  em  dẹp  không  kịp , bị  hốt hết ,  phần  tôi  được  bác  xích  lô  ôm  thùng  quăng  lên  xe  bỏ  chạy  rồi  lát  sau  bác  đem  trả  lại , cũng  vui . Ba  tôi  cằn  nhằn  la  hoài , thật  ra  ba  tôi  đâu  hiểu  nổi  khổ  tâm  của  tôi , mà  tôi  cũng  không  nói  ra , mỗi  lần  đi  thăm  Anh  , Anh  nói  thỉnh  thoảng  đi  thôi ,  Anh  không  muốn  phiền  ba  má  nhiều , tôi  nói  Anh  an  tâm  đi , đi  thăm  Anh  là  tiền  em  bán  thuốc  đó , Anh  không  vui  lắm , nhưng  đỡ  áy  náy  phần  nào ....

Ở  trại  Kim  Sơn  được  mấy  tháng  thì  các  anh  lại  chuyển  đi  trại  Nghĩa  Điền , đi  thăm  trại  này  vất  vã  nhiều , ở  trại  này  có  ba  kỷ  niệm  mà  tới  bây  giờ  tôi  vẫn  không  làm  sao  quên  được . Một  lần  có  lệnh , ai  mang  đồ  thăm  nuôi  thì  tự  mang  vào , cấm  không  được  xách  giùm , trời  ơi !  Tôi  phải  làm  sao  đây  với  hai  giỏ  đồ  đầy  ắp  nặng  trịch ?  ( Thường  thì  có  mấy  ông  xe  thồ  xách  giùm  đến  chỗ  đợi  thăm  )  Tôi  đi  đến  cổng  xin  người  gác  cổng  cho  tôi  nhờ  người  xách  giùm , mong  cán  bộ  thông  cảm  trường  hợp  tàn  tật  của  tôi  .

- Không  được , đây  là  lệnh , đem  được  thì  đem  không  thì  thôi

Thấy  thái  độ  khó  ưa  , tôi  quay  ra  không  thèm  năn  nỉ . Trời  nắng , cái  nắng  của  vùng  núi  gay  gắt  lại  đường  dốc , tôi  chuyền  từng  giỏ  một , đi  vài  bước  để  xuống , quay  lại  xách  giỏ  kia , cứ  vậy  mà  tôi  chuyền  đến  chỗ  thăm , muốn  đứt  hơi  xỉu  luôn , lúc  đó  cũng  có  vài  anh  tù tự giác ( tự do ra ngoài ) thấy  tôi  một  tay  xin  cán  bộ  xách  giùm  mà  không  được , đúng  là  gian  ác . Còn  một  lần  mưa  lụt  không  có  xe  ra  lộ  chính  tôi   phải  đi  bộ  ba  mươi  bảy  cây  số  mới  đón  xe  về  cũng  là  ngày  ở  nhà  con  chết . Lần  thứ  ba , nhớ  lại  cũng  vui  thật  ,  lần  đó  chúng  tôi  vào  trại  trể  đã  chạn  vạn  tối , phải  lội  qua  con  suối  nước  chảy  khá  mạnh , phải  làm  sao  đầy ? Ở  bên  suối  thì  sợ  cọp ,  mấy  chị  nói  phải   lội  qua  thôi  và  đề  nghị , cởi  quần  ra  để  trên  giỏ  đồ  đội  trên  đầu  lội  qua  chứ  để  ướt  quần  đêm  tối  lạnh  chết , thế  là  các  chị  cởi  tuốt  luốt  ngoại  trừ  tôi , không  phải  tôi  mắc  cở  mà  vì  tôi  cởi  khó  khăn  nên  đành  chịu  ướt,  hai  giỏ  đồ  tôi  các  chị  đội  qua  giùm , còn  tôi  các  chị  tìm  khúc  cây  tôi  giữ  một  đầu , đầu  kia  một  chị  nắm  giữ  bước  từng  bước  một  qua  bên  kia  bờ  vì  nước  chảy  mạnh  sợ  tôi  bị  cuốn , có  chị  pha  trò :  các  nàng  tiên  tắm  suối ... gặp  cán  bộ  trại  la : các  bà  đi  tự  tử  chứ  thăm  chồng  gì . Phần  tôi  vì  quần  bị  ướt  nên  lạnh  vô  cùng , cũng  may  gặp  cán  bộ  tên  Công  còn  chút  tình  người , ổng  đợi  tối  chút  nữa , đi  tới  khu  ở  của  chồng  tôi , gọi  chồng  tôi  ra  nói  lấy  cái  mền  để ông  đem  ra  đưa  cho  tôi . Sáng  ra  khi  thăm  nghe  kể  lại , khi  cán  bộ  gọi  tên  chồng  tôi  đi  ra  ai  cũng  sợ  ảnh  bị  đem  đi  thủ tiêu , vì  có  bao  giờ  chúng  tôi  đến  vào  giờ  đó , làm  một  đêm  các  anh  khó  ngủ . Đúng  là  các  chuyến  đi  nhớ  đời  ...

Rồi  đến  tháng  3/80  chúng  chọn  khoảng  42 người , chúng  gọi  là  thành   phần " ác ôn " để  chuyển  trại , Anh  là " giặc lái " nên   được   nằm  trong  danh  sách  " ác ôn " đó .

Bốn  mươi  hai  người  được  tống  trên  một  chiếc  xe  chở  cát  nhỏ ( xe ben )  chật  ních , tay  thì  bị  trói  dính  người  nọ  vào  người  kia , Anh  than  với  người  bạn : - Tao  trông  xe  lật  chết  cho  xong ... Bạn  Anh  làm  thinh  thở  dài , không  nói  gì ...

Sau  bao  nhiêu  ngày  hỏi  thăm  tin  tức  về  Anh , tôi  biết  được  Anh  bị  chuyển  vào  trại  Xuân  Phước  , quận  Đồng Xuân , tỉnh  Phú  Yên  , còn  có  tên  là  trại  A 20 ,  (  trại  này  nguy  hiểm  nhất  ở  miền  Nam , tương  đương  như  trại   Lý Bá Xơ  ngoài  Bắc )  do  Bộ  Nội  Vụ  quản  lý ...

Tôi  lại  nối  gót  theo  Anh  trên  mọi  nẻo  đường " tù " ,  không  mệt  mỏi  .

Sau  gần  hai  tháng  được  giấy  phép  thăm  nuôi , tôi  lo  chuẩn  bị  vài  thứ  để  đi  thăm , đêm  trước  ngày  đi  thăm  tôi  bồn  chồn  lo  lắng , lo  để  mà  lo , chứ  chẳng  biết  lo  cái  gì , và  có  quên  cái  gì  không ? Đêm  đó  giấc  ngủ  đến  chập  chờn ...

Chúng  tôi  đi  tàu  lửa  đến  ga  La  Hai  xuống  rồi  thuê  xe  Honda  ôm  đi  vào  trại  . .. 

Ngồi  trước  mặt  tôi  Anh  đây  sao ?  Khuôn  mặt  Anh  thay  đổi  nhiều  má  hóp , da  sạm  đen , đôi  mắt  sâu  hoắm  ẩn  chứa  nỗi  buồn  phiền  khó  tả , mặc  dù  gặp  tôi  Anh  cố  nở  nụ  cười . Ôi  còn  đâu  bóng  dáng  oai  phong của chàng  Không Quân  ngày  nào  ?  Nỗi  xót  thương  Anh  dâng  trào , tôi  cố nén  nhưng  không  làm  sao  ngăn  được  giọt  lệ  chảy  dài . Anh  nhìn  tôi  với  đôi  mắt  buồn  ngấn  lệ :

- Nín  đi  em , Anh  vẫn  khoè  mà , chỉ  có  điều  Anh  nhớ  em  nhớ  con  thôi  , em  biết  không , Anh  bị  bắt  ở  đây , vậy  mà  hên  đó  em , nếu  ở  trong  Nam  có  khi  bị  đưa  ra  ngoài  Bắc  thì  khổ  cho  em  vô  cùng , ở  đây  gần  nhà  tiện  cho  em  thăm  Anh  hơn , được  nhìn  thấy  em  thế  này  tuy  ốm  hơn  nhưng  Anh  yên  tâm  rồi , lo  sức  khoẻ  cho  em  và  con , đừng  buồn  nữa  em , ai  cũng  vậy thôi , Anh  có  viết  những  thứ  anh  cần , lần  sau  đi  thăm , nhớ  đem  vào  cho anh , Anh  nhìn  quanh , rồi  đưa  cho  tôi  cuộn  giấy  cuốn  chặt  như  điếu  thuốc tôi  cầm  lấy  rồi  bỏ  nhanh  vào  túi  áo .

Nhìn  xung  quanh  những  khuôn  mặt  mọi  người , buồn  vui  hội  ngộ , những  giọt  lệ  ngắn  dài , những  lo  âu , buồn  bã ... Còn  các  anh , những  người  tù  cải  tạo  nhìn  thấy  mà  đau  lòng , thân  hình  tiền  tụy  xác  xơ , quần  áo  bạc  màu , nét  ưu  tư , lo  lắng , buồn  phiền  hiện  lên khuôn  mặt  mỗi  người . Nhưng  những  khuôn  mặt  đó  còn  tiềm  ẩn  nét  hiên  ngang , và  bất  khuất ... của  người  lính  Việt  Nam  Cọng  Hoà .

Nói  làm  hết  những  vất  vã  khi  đi  thăm  Anh , nhất  là  tôi , một  người  tàn  tật , nhưng  tôi  không  vì  vậy  mà  buồn  phiền , trái  lại  rất  vui  khi  đi  thăm  anh  được  tận  mắt  nhìn  thấy  Anh  .....

Có  lần  vào  thăm  Anh , tôi  không  được  phép vào  thăm  bởi  lý  do  anh  phạm  quy  luật  của  trại  và  bị  cấm  thăm  nuôi  ba  tháng , tôi  ra  về với  bao  nhiêu  là  nước  mắt , nỗi  oán  hận  căm  thù , lo  lắng  cho  Anh , nhưng  tôi  làm  được  gì  cho  Anh  đây ? Càng  nghĩ  tôi  càng  thấy  thương  xót  Anh  vô  cùng , tự  trách  cũng  vì  mình  mà  Anh  kẹt  lại ,  lâm  cảnh  tội  tù ...

Còn  phần  Anh ,  sau  này  nghe  kể  lại , thì  bị  tống  giam  vào  căn  biệt  phòng , phòng  tối  100% ,  chân  bị  cùm  tréo  lại , mỗi  ngày  chúng  cho  ăn  khoảng  200 gr. cơm  hoặc  mì  lát ,  một  lon  Guigoz  dùng  để  uống  nước  và  đi  tiểu ... Sau  một  tuần  thả  ra , Anh  đi  không  vững , người  xiu  vẹo , ốm  và  xanh  xao , nghe  mà  thương  xót  Anh  vô  cùng . . .

Sau  đó  tôi  lại  đi  thăm  anh , nhìn  Anh  tôi  thấy  lòng  chùng  xuống , thương  cho  cánh  chim  trời  bị  nhốt  trong  khung  trời  chật  hẹp , trong  xiềng  xích  lao  tù , gãy  cánh  theo  vận  nước  điêu  tàn  vào "  Tháng  Tư  Đen " , còn  đâu  nữa  nét  oai  hùng , phóng  khoáng  của  người  lính  binh  chủng  Không  Quân ? Ôi !  cả  một  tương  lai  u  tối ... biết  đến  bao  giờ  Anh   mới  được  thả  ra , mới  được  tự  do  đây , hay  phải  gục  chết  trong  chốn  lao  tù ? Tôi  bỗng  rùng  mình  lo  sợ ...

Với  những  bước  chân  tập  tểnh  tật  nguyền  mang  theo  trong  lòng  một  biển  yêu  thương , một  trời  nhung  nhớ  nên  tôi  đã  vượt  qua , chịu  đựng  mọi  sự  gian  khổ  suốt  gần  chín  năm  thăm  nuôi  Anh  trong  các  trại  tù , nhưng  so  làm  sao  được  với  Anh  vì  thương  vợ  thương  con  Anh  đã  âm  thầm  chịu  đựng , sợ  tôi  lo  buồn  nên  không  bao  giờ  Anh  kể  nỗi  khổ  nhục , đói  no , những  ấm  ức  trong  lòng  khi  tôi  đến  thăm  ...  Cho đến  khi  ra  tù , đêm  nằm  Anh  hồi  tưởng  lại  kể  cho  tôi  nghe  những  năm  tháng  ở  trong  tù . Tôi  đã  khóc  nhiều ... thương  cảm  cho  sự  nhẫn  nhục , chịu  đựng  của  Anh .

Sau  khi  thả  Anh  về , chúng  tôi  bị  đuổi  đi  vùng  kinh  tế  mới , tôi  lại  tập  tểnh  theo  Anh  đi  đến  vùng  KTM  ở  Long Thành  tỉnh  Đồng  Nai , lo  hai  chỉ  vàng  để  có  tờ  hộ  khẩu ( có  tờ  hộ  khẩu  đem  về  trình  công  an  ở  QN , một  hình  thức  kiểm  soát  để  biết  Anh  ở  đâu ) , rồi  về  tạm  trú  ở  SG , đến  năm  93  đi   Mỹ  theo  diện  HO  .

Bây  giờ  đây  " Tháng  Tư  Đen "  lại  quay  về , không  còn  Anh , một  mình  tôi  nơi  đất  khách  quê  người , hồi  tưởng  lại  những  năm  tháng  đau  buồn  đã  qua  với  cỏi  lòng  nặng  trỉu ,  nhớ  thương  tiếc  nuối ...

Đêm  về  trong  căn  phòng  lẻ  bóng ,  cô  đơn ... nằm  gặm  nhấm  nỗi  buồn  phiền , thương  nhớ  về  Anh , nhớ  những  ngày  huy  hoàng , hạnh  phúc  bên  nhau  ...  chìm  vào  giấc  ngủ ... theo  bước  chân  Anh  đi  vào  chốn  hư  vô....

 

                              Nhân Ái  259A : NGUYỄN  HỮU  NGHỀ - NGUYỄN  BÍCH  SƠN                                                             

                                                                     Houston TX ,  Tháng  4/ 2014 .

 
AcDieu

Tin Buồn

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA

Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH

TIME